Thông thường mọi năm cứ đến giai đoạn chuẩn bị ra trường là các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp ắt hẳn ai cũng đều rất bận rộn. Từ việc học đủ chỉ, đủ môn cho kịp thời hạn ra trường đến tìm nơi thực tập hay là bắt đầu chuẩn bị suy nghĩ đến chỗ làm tương lai. Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh vẫn còn kéo dài và chưa ổn định từ năm 2020 cho đến nay, tất cả sinh viên trên cả nước gần như gặp khó khăn lớn vì không thể tốt nghiệp đúng thời hạn và cả việc tìm nơi thực tập hay bắt đầu công việc cũng không ít trở ngại.
Vậy liệu những khó khăn của những sinh viên sắp tốt nghiệp đang chịu là như thế nào? Chịu những tác động ra sao trước tình hình Covid-19? Cùng gyvana.com xem qua ngay sau đây trong bài viết bên dưới nha.
Mục lục
Thời dịch sinh viên sắp tốt nghiệp buộc phải ở nhà vì kinh tế “đóng băng”
Vừa hoàn thành chương trình của ngành Việt Nam học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vào đầu tháng 5, Nguyễn Hoàng Nhân hy vọng sẽ trở thành hướng dẫn viên du lịch chính thức tại cơ sở thực tập. Nhưng rồi vì dịch Covid-19 khiến ngành du lịch “đóng băng”.
Không cam chịu cảnh thất nghiệp, anh Nhân đã tìm được công việc tiếp thị tại một cửa hàng nội thất. Cùng lúc đó cũng bán hàng trực tuyến để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. “Tôi cảm thấy lo lắng cho tương lai của chính mình lẫn những người theo ngành du lịch. Chúng tôi phải tìm một công việc trái ngành để kiếm thu nhập duy trì cuộc sống”. Hoàng Nhân chia sẻ.
Đỗ Ngọc Thu Hiền, sinh viên ngành Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết cô không thể tốt nghiệp ra trường vì còn nợ môn thực hành đi tour.
Nữ sinh viên có lịch thực hiện tour xuyên Việt để làm báo cáo tốt nghiệp kể từ ngày 12/5. “Đó là môn học cuối cùng mà tôi phải hoàn thành để có thể tốt nghiệp vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp buộc nhà trường phải hoãn tour”, Thu Hiền chia sẻ.
Hiện cô chỉ ở nhà phụ giúp gia đình, chờ đợi và theo dõi diễn biến dịch Covid-19. Thu Hiền chia sẻ: “Đôi lúc tôi có chút chạnh lòng khi chứng kiến bạn bè cùng tuổi học ngành khác đã ra trường và có việc làm”.
Tiến độ học tập bị ảnh hưởng, tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình
Một số bệnh viện ở TP.HCM và Cần Thơ vừa thông báo tạm ngưng nhận sinh viên đến thực tập vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ học tập của các bác sĩ tương lai.
Chẳng hạn, Mai Nguyễn Bảo Hân, sinh viên năm cuối Trường ĐH Y dược Cần Thơ, phải tạm ngừng thực tập tại bệnh viện vì Covid-19 và có nguy cơ không thể tốt nghiệp đúng thời hạn vào đầu năm sau.
“Mỗi lúc dịch bùng phát đều gây ảnh hưởng đến tiến độ học tập của tôi. Tôi đã trải qua 3 lần phải tạm ngừng thực tập tại bệnh viện vì dịch Covid-19. Bên cạnh đó, việc thực tập trên bệnh nhân cũng bị hạn chế rất nhiều”, Mai Hân chia sẻ.
Trong khoảng thời gian tạm ngừng thực tập, Mai Hân cho hay cô phải đối mặt nhiều áp lực vì học ngành y rất tốn kém và thời gian học càng kéo dài thì gánh nặng kinh tế lên gia đình cô càng lớn.
Chưa thể tốt nghiệp kịp thời hạn vì dịch bệnh
Một trường hợp không thể ra tốt nghiệp đúng thời hạn khác là Nguyễn Thị Quỳnh Trân, sinh viên năm cuối ngành Bệnh học thủy sản Trường ĐH Cần Thơ.
Quỳnh Trân chia sẻ: “Theo đúng lịch trình thì tôi lẽ ra đã tốt nghiệp từ tháng 12/2020. Dịch covid-19 gây trì hoãn thời gian làm thí nghiệm-Luận văn tốt nghiệp cho đến tận ngày 20.5 và tiếp tục được điều chỉnh sang ngày 20/6”. Nhà trường thông báo thời gian trì hoãn có thể bị kéo dài hơn tùy theo diễn biến dịch Covid-19.
Theo Quỳnh Trân, nhà trường buộc phải dời lịch và rút ngắn thời gian thực tập rất nhiều. Điều này khiến sinh viên không có nhiều thời gian trải nghiệm thực tế so với các khóa trước.
“Tôi kỳ vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát để các bạn sinh viên như tôi có thể ra trường và kiếm được việc làm phụ giúp cha mẹ. Giữa lúc kinh tế gia đình tôi cũng chịu nhiều ảnh hưởng vì Covid-19”, Quỳnh Trân nói.
Các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp lao đao khi thực tập thời dịch
Suốt một tháng nay, Xuân Linh (22 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) luôn trong tình trạng lo lắng vì kế hoạch học tập, công việc bị xáo trộn.
Từ khi dịch Covid-19 lan rộng, nhiều công ty, cơ quan cho nhân viên tạm nghỉ và chuyển sang hình thức “work from home”, trong đó có nơi Linh đang thực tập.
Cô gái 22 tuổi cho biết khối lượng công việc không thay đổi nhưng cô dần mất động lực và thiếu liên kết với các anh chị đồng nghiệp mới.
“Mới đi làm, chưa được chỉ bảo nhiều đã phải ở nhà. Nếu chỉ nhắn tin qua mạng thì cũng không biết đối phương đang có phản ứng gì. Mọi người giao việc và hướng dẫn qua mạng cũng tốn nhiều thời gian hơn. Chưa kể, mình không có thời gian làm quen để tạo mối quan hệ với mọi người”
Cùng chung cảnh ngộ với Xuân Linh, Minh Hằng, sinh viên năm cuối trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, cũng lo lắng khi bị hoãn kỳ thực tập. Nữ sinh đã nộp hồ sơ ở 3 nơi với vị trí Marketing. Tuy nhiên, sau vài lần phỏng vấn trực tuyến, Hằng vẫn chưa tìm được nơi “hạ cánh” ưng ý.